Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Lưu ý cách dùng dầu ăn để đảm bảo sức khỏe

Dùng dầu ăn thực vật tốt hơn dùng mỡ động vật, bởi trong mỡ động vật có chứa các axit béo no chưa bão hòa. Những axit béo này có thể tạo thành mỡ máu. Khi hình thành cholesterol như vậy, người bệnh sẽ bị cao huyết áp, có nguy cơ bị đột qụy, xơ vữa động mạch và mắc các bệnh có liên quan đến tim mạch khác.
Còn với dầu thực vật, không có chứa cholesterol, thậm chí 1 số loại dầu thực vật còn chứa vitamin A, E, các axit béo không no. Các axit béo không no này góp phần chuyển hóa cholesterol, từ đó người bệnh tránh được tim mạch, cao huyết áp.
Chính vì những lý do trên, các bác sĩ cũng như các chuyên gia dinh dưỡng hiện nay thường khuyên chúng ta nên sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Đức (Chuyên gia dinh dưỡng) cho hay, nỗi lo mỗi khi đi ăn ở ngoài vỉa hè, hàng ăn là nhà hàng có thể sử dụng dầu ăn chiên đi chiên lại, điều này tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe. Tại gia đình cũng vậy, có những lúc bạn cần dùng đến nhiều dầu ăn để chiên, rán, sau đó sẽ thừa lại rất nhiều. Bạn cũng đừng nên tiếc rẻ mà dùng lại thêm vài ba lần nữa. Tốt nhất nên đổ dầu ăn đã dùng chiên, rán đó đi. Nguyên nhân là do nếu dùng lại tức là bạn đã đưa chất độc vào cơ thể.
Lưu ý cách dùng dầu ăn để đảm bảo sức khỏe
Điều đáng nói là một số loại vitamin bị phá hủy trong quá trình chiên, rán. Khi bạn dùng lại tức là chúng sẽ phải phá hủy thêm lần nữa. Sự phá hủy này có thể sinh ra một số chất độc như aldehyde...đây là những chất ảnh hưởng đến sức khỏe, lâu ngày sử dụng có thể gây bệnh. Việc dùng lâu dài làm tăng cấc gốc tự do dẫn đến ung thư, hình thành tế bào ác tính độc hại.
Khi dầu ăn bị đun nóng trong nhiệt độ cao sẽ làm cho vitamin và chất dinh dưỡng có trong đó bị phân hủy, dầu ăn sử dụng lại cũng dễ bị oxy hóa làm thay đổi màu sắc mùi vị thức ăn.
"Dầu ăn cũng như thực phẩm cần được bảo quản đúng cách. Lưu ý bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, xa nguồn nhiệt như bếp, điện...Lưu ý khi trữ đồ ăn cần cho vào lọ khô, không bị ướt. Bởi nếu trong lọ có nước lạnh sẽ dễ bị vi khuẩn thâm nhập làm dầu ăn nhanh hỏng. Bạn cũng không nên bảo quản dầu ăn trong lọ kim loại vì dễ làm dầu ăn hỏng", bác sĩ nhấn mạnh.
Khi dùng dầu ăn chiên rán nên để nhiệt độ vừa phải không để nhiệt độ quá cao. Nếu nhiệt độ cửa lửa cao hơn điểm bốc khói của dầu làm cho dầu ăn bị cháy. Khi bị cháy sẽ sản sinh những chất độc hại ảnh hưởng lâu dài.
Người già thường bị cao huyết áp, mỡ máu cao do quá trình lão hóa nên cần phải tránh ăn mỡ động vật. Với người già nên ăn dầu thực vật hoặc các loại dầu không chứa cholesterol. Với mỡ động vật, cholesterol và axit béo có trong nó sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh ở tim mạch, tăng mỡ máu. Những loại dầu nên chọn cho người già là dầu đậu nành, oliu. Những loại dầu này có lợi cho sức khỏe vì chứa omega 3. Chất này giúp chống lại hình thành cholesterol có hại trong máu, tránh bị nhồi máu cơ tim.
Với trẻ nhỏ, phụ huynh đừng quên cho thêm dầu ăn để cung cấp đủ năng lượng. Với trẻ trên 1 tuổi, trong các bữa ăn cần bổ sung thêm dầu ăn từ 2-3 thìa vào thức ăn. ĐIêu này giúp hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp dưỡng chất. Phụ huynh nên nghe tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng để có sự lựa chọn loại dầu ăn hợp lý chuyên dụng cho trẻ. Trong các gia đình có thể trang bị 2 loại dầu ăn dùng để chiên rán hoặc ướp thịt, làm sa lát, dầu giấm, các món ăn nhẹ.
Khi chọn mua dầu ăn cũng cần xem xét chọn nhãn hàng có uy tín, có hạn sử dụng, ngày sản xuất rõ ràng. Khi dầu ăn hết hạn, không nên tiếc rẻ, cần loại bỏ ra khỏi nhà bếp. Bạn không nên ham rẻ mà chọn những loại dầu ăn không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, trôi nổi, sản xuất ở nơi không đảm bảo vệ sinh chất lượng.
Thùy Ngân
(Theo Congluan)

Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Chế độ ăn uống hay tập luyện quan trọng hơn?

Chế đô ăn hay thói quen tập luyện có ảnh hưởng lớn hơn đối với sức khỏe? Tập luyện hay ăn uống đều có những ảnh hưởng lớn
Tùy vào những mục đích khác nhau mà tập luyện và ăn uống sẽ có mức độ ảnh hưởng khác nhau
Giảm cân. Giảm calo là điều quan trọng nhất trong giảm cân, do đó chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong giảm cân. Trong khi đó tập luyện đốt cháy mỡ thừa và kiểm soát cân nặng. Cả 2 đều rất quan trọng nhưng nếu không giảm calo thì bạn sẽ rất khó giảm cân cho dù có luyện tập năng nổ.
Để có nhiều năng lượng hơn. Bạn cần tập trung vào duy trì lượng đường huyết lành mạnh. Do vậy, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng. Ăn uống đúng cách, đúng thời điểm sẽ giúp ích cho bạn. Để duy trì năng lượng ổn định, nên ăn lượng thức ăn nhỏ vào những khoảng thời gian cách đều nhau.
Giảm nguy cơ tim mạch. Trong trường hợp này bạn cần tập luyện. Nếu không tăng cường hoạt động thể chất, bạn không thể giữ cho trái tim khỏe mạnh. Ngoài ra, cũng cần tránh xa các loại thực phẩm không lành mạnh.
Để trí óc minh mẫn. Tập luyện một lần nữa đóng vai trò quan trọng. Những người hoạt động có thể tập trung tốt hơn. Ngoài ra, những thực phẩm tốt cho não cũng giúp trí óc minh mẫn.
Đối với đời sống tình dục. Tập luyện có thể cải thiện ham muốn. Mặc dù có một số loại thực phẩm cũng giúp cải thiện ham muốn nhưng nếu thiếu tập luyện mọi nỗ lực của bạn sẽ không đem lại kết quả như mong muốn.
Đối với sức khỏe chung. Cả chế độ ăn và tập luyện đều có vai trò riêng của nó và không nên bỏ qua một trong hai điều này. Trái lại, bạn nên cân bằng cả hai.

11 loại thực phẩm tuyệt đối không cho vào tủ lạnh

Sau khi chúng ta đi chợ mua sắm thực phẩm, điều đầu tiên chúng ta làm là cho các thực phẩm dễ bị hư hỏng vào tủ lạnh. Tuy nhiên, có một số thực phẩm mà bạn không nên cất trong tủ lạnh vì nó có thể làm hỏng thức ăn nhanh hơn. 
Mặt khác, khi các loại thực phẩm này được đặt trong tủ lạnh, nó có thể làm giảm hương vị và cũng giảm giá trị dinh dưỡng của chúng. Dưới đây là các loại thực phẩm bạn không nên để trong tủ lạnh.
Cà phê 
Khi bạn để cà phê trong tủ lạnh, hương vị sẽ thay đổi do nhiệt độ lạnh. Vì thế, bạn nên để cà phê ở nơi thoáng mát và tối để giữ hương vị lâu dài.
Cà chua 
Cà chua chín cần được để ở bên ngoài vì chỉ có như vậy, chúng mới không bị thối đi nhanh chóng.
11 loại thực phẩm tuyệt đối không cho vào tủ lạnh
Khoai tây 
Một trong những loại rau bạn không nên để trong tủ lạnh là khoai tây. Hãy để chúng ở nơi khô ráo để tránh ẩm mốc.
Bạn không nên để bơ xanh trong tủ lạnh vì nó sẽ bị thối rất nhanh. Khi bơ chín, bạn có thể cất chúng ở nơi có nhiệt độ mát mẻ.
Hành tây 
Hành tây cần phải được để ở nơi thoáng khí và tủ lạnh không phải là nơi hợp lý.
Bánh mì 
Bánh mì sẽ khô hơn khi được cất trong tủ lạnh. Nếu bạn muốn bánh để được lâu, hãy bọc chúng trong một tờ bìa hoặc giấy trắng sạch. Điều này cũng sẽ ngăn chặn việc sinh sản nấm mốc.
Dầu ăn 
Cách tốt nhất để tăng thời hạn sử dụng của các loại dầu ăn là để cất giữ chúng ở nhiệt độ bình thường.
Mật ong 
Mật ong để trong tủ lạnh sẽ khiến nó bị cứng và kết tinh lại. Nó cũng sẽ làm mất các chất dinh dưỡng từ mật ong.
Tỏi 
Để trong tủ lạnh sẽ làm giảm hương vị của tỏi và có thể khiến nấm mốc phát triển.
Các loại quả họ berry
Các loại quả berr có tuổi thọ ngắn và khi để chúng trong tủ lạnh sẽ chỉ làm cho chúng khô đi và mất tất cả các giá trị dinh dưỡng.
Gia vị 
Các loại gia vị không cần phải để trong tủ lạnh. Bạn có thể bảo quản hương vị của các gia vị khi để bên ngoài.
 
Thụy Du – (Dịch theo BS)
(Theo Congluan)

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Phương pháp phát hiện ung thư từ rất sớm

Phương pháp chụp PET/CT là một cách có thể giúp phát hiện rất sớm ung thư tuy nhiên phương pháp này vẫn chưa phổ biến vì chi phí còn cao

Theo thống kê, nước ta mỗi năm có khoảng 150.000 trường hợp mới mắc và khoảng 75.000 trường hợp tử vong. Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân đều được phát hiện khi đã bước vào giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao. Một phần là do các kỹ thuật chẩn đoán thông thường không thể phát hiện sớm các tế bào ung thư hoặc các tổn thương.
Gần đây nhiều người chia sẻ về một phương pháp phát hiện ung thư từ giai đoạn phân tử, tế bào đó là chụp PET/CT Rất nhiều người đã hỏi ở Hà Nội và các thành phố khác thì để chụp PET/CT họ có thể chụp ở đâu.
Khi nào nên chụp PET/CT?
Việc chụp PET/CT có nhiều ưu việt nhưng khó là chi phí cao. Bệnh nhân cho rằng ăn đường hay sử dụng đường để chụp PET/CT là không đúng.
Ngoài ra, chụp PET/CT còn hạn chế có thể dẫn đến chẩn đoán dương tính giả vì chỉ vùng viêm nhiễm nó cũng có biểu hiện các màu đỏ trong phim chụp. Nhưng đây cũng có thể sàng lọc ác tính hay lành tính.
Phương pháp chụp PET/CT là bác sĩ sẽ cho bệnh nhân tiêm tĩnh mạch một liều thuốc có phóng xạ positron, là một chất dẫn xuất glucose vì các tế bào ung thư sẽ hấp thụ và chuyển hóa nhiều glucose hơn các tế bào khác.
Sau khi được tiêm thuốc có phóng xạ, cơ thể sẽ phóng ra các tua gamma và máy PET/CT sẽ tính toán từ các tua gamma này để thu nhập hình ảnh từ các tế bào khác nhau của cơ thể. Nhờ đó, những bất thường về chuyển hóa tại các tế bào sẽ được ghi nhận, ngay trước khi có sự thay đổi về cấu trúc.
Trong khi đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI), siêu âm… chỉ phát hiện và đánh giá được các tổn thương khi đã có những thay đổi về cấu trúc giải phẫu ở mức độ đủ lớn và “bỏ qua” các tổn thương có đường kính dưới 1cm.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thông thường (CT, MRI, X-quang, siêu âm..) không thể phát hiện sớm các tế bào ung thư hoặc các tổn thương ở các cơ quan ở giai đoạn sớm (giai đoạn phân tử, tế bào..) nên hầu hết bệnh nhân đều được phát hiện ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị không cao.
Việc phát hiện sớm tế bào ung thư giúp bác sĩ có những phương pháp điều trị tối ưu để chữa khỏi hoặc kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân. Tương tự như vậy, tổn thương ở các cơ quan khác trong cơ thể nếu được phát hiện sớm sẽ được điều trị và chăm sóc hiệu quả hơn.
Trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện nay, PET/CT là hệ thống có khả năng phát hiện sớm tế bào ung thư và tổn thương trong cơ thể ở giai đoạn tế bào và phân tử – giai đoạn sớm nhất. Bên cạnh đó, PET-CT còn có khả năng phân loại u lành hay ác tính, đánh giá tình trạng các cơ quan trong cơ thể.

Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

Chữa 3 bệnh phổ biến ở da bằng lá nha đam

Uống một ly nước ép nha đam không chỉ có tác dụng thải độc tự nhiên mà còn cải thiện lượng đường huyết. Phần thịt trong suốt của lá nha đam cũng có tác dụng tuyệt vời trong giảm cân. Ngoài ra, đây cũng là phương thuốc tự nhiên để xử lý nhiều vấn đề thường gặp ở da như nhiễm trùng, liền vết thương và bỏng.
Liền vết thương
Nha đam giúp vết thương liền nhanh hơn nhờ cải thiện tuần hoàn máu tới vùng bị thương. Nó cũng ngăn ngừa chết tế bào quanh vết thương, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng.

Điều trị nhiễm trùng da
Chất gel của lá nha đam có thành phần kháng khuẩn và kháng viêm không chỉ làm giảm kích ứng da mà còn giảm ngứa da và cảm giác nóng rát liên quan tới nhiễm trùng da. Vì chứa hàm lượng nước cao, nó có tác dụng làm dịu da và dưỡng ẩm da, nhờ đó giảm triệu chứng nhiễm trùng da và thúc đẩy da phục hồi nhanh hơn.
Điều trị bỏng và vết thương
Khi bôi da bị bỏng hoặc bị thương, lô hội giúp làm dịu da bằng cách tăng cường lưu thông máu trong các mạch máu, có tác dụng làm dịu vùng da bị ảnh hưởng nhờ độ ẩm cao và cũng giúp phục hồi da bị tổn thương. Ngoài ra, bôi nha đam tại chỗ giúp điều trị tê cóng và cũng làm chậm tổn thương da trong trường hợp xạ trị.
Cách sử dụng nha đam
Cắt lá nha đam và vắt chất gel ra một cái bát. Nhẹ nhàng bôi lên vết thương và để nó khô tự nhiên. Rửa sạch bằng nước và để khô. Làm lại ít nhất 2-3 lần trong ngày trong khoảng 2-3 ngày sẽ có tác dụng.
BS Cẩm Tú
(Theo THS/ Univadis)

Thứ Ba, 12 tháng 4, 2016

Trị nước ăn chân bằng thuốc nam

Mỗi khi mưa lớn, lũ về, ngoài việc thiệt hại về người và tài sản, lũ còn gây nhiều bệnh tật cho người dân vùng lũ... Trong đó nước ăn chân cũng là bệnh rất thường gặp và gây rất nhiều phiền hà cho người dân vùng lũ.
Mỗi khi mưa lớn, lũ về, ngoài việc thiệt hại về người và tài sản, lũ còn gây nhiều bệnh tật cho người dân vùng lũ... Trong đó nước ăn chân cũng là bệnh rất thường gặp và gây rất nhiều phiền hà cho người dân vùng lũ. Nếu để nước ăn chân nhiều ngày, các kẽ chân bị loét sâu, có nguy cơ nhiễm khuẩn... Do vậy, nước ăn chân cũng được coi như một bệnh thường trực của những người dân vùng lũ, cần được xử lý kịp thời.
Những vị thuốc và bài thuốc trị nước ăn chân có hiệu quả
Trước hết cần phải rửa thật sạch nơi bị bệnh bằng nước sạch hoặc dùng nước muối ăn, pha loãng, rửa ấm, cũng có thể dùng nước sắc của cây bạc hà hoặc củ gừng tươi, rửa ấm, lau khô; rồi tiến hành dùng một số các vị thuốc, bài thuốc sẵn có để chữa trị.
Rau sam tươi lấy phần cây trên mặt đất, khoảng 50-100g tươi, rửa sạch, để ráo nước, cắt nhỏ, giã nát, thêm chút muối ăn, trộn đều, rồi cho tất cả vào mảnh vải gạc sạch, chấm nhẹ vào nơi tổn thương, khô lại chấm. Làm nhiều lần, chỗ loét khô se lại và hết ngứa. Mỗi ngày làm một lần như vậy, sẽ cho kết quả tốt.
 Hàn the.
Cóc mẳn: Cây cóc mẳn hay còn gọi là cúc mẳn. Lấy phần cây trên mặt đất, khoảng 50g, rửa sạch, cắt nhỏ... rồi cũng làm như vị rau sam. Cũng có thể sau khi chấm hết dịch thì lấy ngay bã của thuốc nhét vào các kẽ chân, cần thiết thì băng lại cho miếng thuốc khỏi bị rơi. Mỗi ngày làm một lần như vậy, sẽ cho kết quả tốt.
Búp ổi: Dùng búp cây ổi tươi, khoảng 50g, cách làm tương tự như các vị thuốc trên.
Bài thuốc sinh cơ tán: Bạch phàn (còn gọi là phèn chua), bằng sa (hàn the), berberin đồng lượng. Đem phèn chua và hàn the cho vào chảo gang nung lên cho bay hết hơi nước, sẽ trắng và xốp ra. Đem tán thành bột mịn trộn với bột berberin, đóng lọ kín dùng dần.
Cách dùng: Trước hết cũng được rửa sạch nơi bị nước ăn, như trên, lau khô. Lấy ít bột trên ra một mảnh giấy sạch hoặc một cái chén sạch, rồi lấy tăm bông chấm vào bột này rồi bôi đều vào nơi bị nước ăn chân. Ngày bôi nhiều lần. Với hỗn hợp bột này sẽ làm cho chỗ bị nước ăn hết ngứa, da nhanh khô, tổ chức cơ dưới da nhanh chóng được hồi phục và chỗ loét nhanh lành. Hoặc có thể dùng riêng phèn phi, hoặc berberin, tán mịn rắc vào nơi tổn thương cũng có kết quả.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Lục đậu - Vị thuốc thanh nhiệt giải độc

Lục đậu còn có tên đậu xanh, thanh tiểu đậu… Trong đời sống hàng ngày, đậu xanh được dùng làm rất nhiều món như nấu canh, nấu chè, làm bánh hay làm thực phẩm chất dinh dưỡng...
Lục đậu còn có tên đậu xanh, thanh tiểu đậu… Trong đời sống hàng ngày, đậu xanh được dùng làm rất nhiều món như nấu canh, nấu chè, làm bánh hay làm thực phẩm chất dinh dưỡng... Đậu xanh là một trong những loại ngũ cốc tốt nhất đối với sức khỏe.
Lục đậu giàu protein, chất béo, chất xơ và carbohydrat; có nhiều vitamin (A, B1, B2, B6, PP, C, acid folic, acid panthotenic) và nguyên tố Na, K, Ca, P, Fe Cu…). Trong vỏ hạt đậu chứa flavonoid (vitexin và iso vitexin). Theo Đông y, lục đậu vị ngọt tính mát, vào tâm, vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải thử, lợi thủy, chỉ khái, thanh can minh mục. Dùng cho các trường hợp say nắng say nóng, sốt cao mất nước phù nề, mụn nhọt, lở ngứa, ngộ độc cá, ngộ độc sắn, còn dùng để giảm mỡ máu, hạ huyết áp. Hằng ngày có thể dùng từ 15 - 100g bằng cách nấu hầm, sắc.
Một số cách dùng lục đậu làm thuốc:
Chữa ôn nhiệt, sốt cao, hôn mê, co giật (Thần tiên cứu khổ thang): vỏ lục đậu 10g, sinh địa 10g, huyền sâm 10g, thạch cao 10g, huyền minh phấn 10g, cam thảo 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa phát sốt, sưng quai hàm, nhức nhối (Nam dược thần hiệu): lục đậu tán bột mịn, trộn với dấm, phết một lớp dày lên chỗ đau, khi khô lại thêm dấm. Ngày làm 1 lần đến khi khỏi.
Chữa tiêu chảy, nôn mửa: lục đậu 100g, muối 10g, hạt tiêu 50g. Lục đậu rang vàng, muối rang; tất cả tán bột, trộn đều; bảo quản trong lọ kín. Người lớn cách 3 - 4 giờ uống 1 lần; mỗi lần 8 - 10g.
Chữa ngộ độc: lục đậu sống nghiền nhỏ, hòa với nước cho uống thật nhiều để nôn ra và giải độc.
Chữa ngộ độc nấm: lục đậu 100g, bồ công anh 40g, tử thảo căn 40g, kim ngân hoa 40g, cam thảo sống 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Trẻ em giảm liều theo tuổi.
Chữa sỏi đường tiết niệu: lục đậu 200g, kim tiền thảo 60g, kê nội kim 60g, hải kim sa 60g, ngưu tất 60g. Sắc uống ngày 1 thang.
Gia giảm: nếu đái ra máu, thêm bạch mao căn 25g, thiến thảo 25g; khí suy yếu thêm hoàng kỳ 60g, đương quy 60g; tỳ hư thêm hoài sơn 60g, phục linh 60g; đại tiện táo bón thêm đại hoàng 15g, mang tiêu 15g; đau bụng thêm nguyên hồ sách 30g, mộc hương 30g; đau hông thêm đỗ trọng 30g, tang ký sinh 30g. Tất cả nghiền bột, trộn đều; uống ngày 2 lần, mỗi lần 15g; sau khi uống nên ăn thêm dưa hấu và hoạt động nhiều. Đợt điều trị 30 ngày.
Kiêng kỵ: Người hư hàn tiết tả không dùng.
BS. Tiểu Lan

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Bài thuốc trị chứng mất ngủ

Mất ngủ là một chứng bệnh hay gặp, chiếm khoảng 48% dân số, nữ bị mất ngủ nhiều hơn nam và càng lớn tuổi càng dễ bị mất ngủ.
Mất ngủ là một chứng bệnh hay gặp, chiếm khoảng 48% dân số, nữ bị mất ngủ nhiều hơn nam và càng lớn tuổi càng dễ bị mất ngủ. Người bị mất ngủ kéo dài dễ dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc hàng ngày. Mất ngủ do rất nhiều nguyên nhân gây ra như áp lực công việc, mắc các bệnh mạn tính hoặc các biểu hiện của rối loạn tâm thần, trầm cảm… Dưới đây là một số bài thuốc trị căn bệnh này theo từng thể bệnh.
Bài thuốc trị chứng mất ngủ 1
Ngâm chân nước nóng trước khi đi ngủ làm máu lưu thông tốt giúp ngủ ngon.

Thể can uất hóa hỏa: do phiền não, buồn bực quá độ; lâm sàng biểu hiện dễ cáu gắt, giận dỗi, mắt đỏ, miệng đắng, ít ngủ, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch huyền sác. Dùng bài Long đởm tả can thang: long đởm thảo tẩm rượu sao 12g; hoàng cầm, trạch tả, mộc thông, đương quy tẩm rượu sao, sài hồ, sinh địa hoàng (mỗi thứ 8g); cam thảo 2g, chi tử tẩm rượu sao 12g, xa tiền tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể đàm nhiệt nội nhiễu: thường do ăn uống không điều độ, ăn nhiều, uống nhiều, ăn nhiều thức ăn sống lạnh, béo ngọt hay nghiện rượu bia dẫn đến tràng vị bị nhiệt, đàm nhiệt thượng nhiễu gây mất ngủ, đầu nặng, ngực đầy trướng, tâm phiền, hay thở dài, ợ chua, không muốn ăn, rêu lưỡi vàng bẩn, mạch hoạt sác. Dùng bài Ôn đởm thang gia giảm: bán hạ 10g, trúc nhự 8g, chỉ thực 12g, quất bì 10g, phục linh 12g, sinh khương 8g, cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể âm hư hỏa vượng: do cơ thể suy nhược, dục vọng buông thả quá độ dẫn đến di tinh làm cho thận âm hao tổn, tâm hỏa vượng lên, lâm sàng biểu hiện tâm phiền, mất ngủ, ngũ tâm phiền nhiệt, ù tai, hay quên, lưỡi đỏ, mạch tế sác. Dùng bài Chu sa an thần hoàn: hoàng liên 6g, chu sa 4g, sinh địa 2g, quy thân 2g, chích thảo 2g. Chu sa thủy phi, tất cả tán mịn làm hoàn, mỗi lần uống 4 - 12g trước khi đi ngủ với nước ấm.
Thể tâm tỳ lưỡng hư: do cơ thể suy nhược lâu ngày, người già hoặc sau mắc bệnh nặng, mắc bệnh mạn tính kéo dài làm khí huyết bị hư tổn, biểu hiện ngủ hay mơ, dễ tỉnh, váng đầu, hoa mắt chóng mặt, tinh thần mệt mỏi, sắc mặt vàng, không nhuận, lưỡi đạm, ít rêu, mạch tế nhược. Dùng bài Quy tỳ thang gia giảm: đẳng sâm 12g, bạch truật 9g, hoàng kỳ 15g, đương quy 9g, phục thần 9g, viễn chí 4g, toan táo nhân 9g, mộc hương 4g, a giao (sao phồng) 15g, bạch thược 9g, chích cam thảo 6g, địa du (sao đen) 15g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thể tâm đởm khí hư: do đột ngột bị kinh sợ như tiếng nổ to hoặc mắt nhìn thấy vật lạ khủng khiếp, gặp phải tai nạn nguy hiểm gần kề với cái chết; biểu hiện lâm sàng bệnh nhân ngủ dễ tỉnh, mơ thấy ác mộng, hồi hộp trống ngực khi gặp sự việc kinh sợ, lưỡi đạm, mạch huyền tế. Dùng bài An thần định chí thang gia giảm: phục linh, viễn chí, nhân sâm, dạ giao đằng, phù tiểu mạch, táo nhân sao đen (đều 12g); thạch xương bồ, long cốt, mẫu lệ (đều 6g); bá tử nhân 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Ngoài ra, để hiệu quả hơn, nên kết hợp vật lý liệu pháp (ngâm chân nước nóng, đắp thuốc…), xoa bóp bấm huyệt.
TS. Nguyễn Tâm Thuận

Bài thuốc trị nhược cơ

Nhược cơ là tình trạng trương lực cơ bị giảm. Sau đây là một số phương thuốc điển hình để chữa trị chứng này theo Đông y, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.
Nhược cơ là tình trạng trương lực cơ bị giảm. Tùy mức độ của bệnh mà trương lực cơ giảm nhiều hay ít. Trường hợp nặng người bệnh không nhấc được tay, không làm được những động tác thông thường. Bệnh thường tiến triển nặng dần từ sáng đến cuối ngày hoặc sau khi vận động.
Nguyên nhân chính của bệnh là do dẫn truyền thần kinh bị trở trệ và do chức năng của tỳ vị bị suy giảm. Để chữa trị chứng này, Đông y thường dùng phương pháp bổ tỳ kiện vị, bổ sung tinh chất và một số vi lượng giúp quá trình thần kinh diễn ra suôn sẻ. Sau đây là một số phương thuốc điển hình, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.

Bài thuốc trị nhược cơ 1
Củ đinh lăng.

Bài 1: hoài sơn 16g, liên nhục 12g, bạch truật 16g, trần bì 10g, củ đinh lăng 16g, ba kích 12g, xương bồ 12g, thần khúc 10g, kê huyết đằng 16g, hà thủ ô 16g, đương quy 12g, sâm hành 16g, cam thảo 12g, hoàng kỳ 12g, ngũ gia bì 16g, đại táo 10g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ tỳ, bồi đắp trung châu giúp cơ nhục hoạt động tốt.
Bài 2: củ đinh lăng 16g, lá và cây ngấy hương 16g, cao lương khương 10g, hoài sơn 16g, liên nhục 16g, biển đậu 12g, hậu phác 10g, thủ ô chế 16g, cam thảo 12g, sinh khương 6g, bạch truật 16g, đại táo 10g, đương quy 12g, sâm bố chính 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ tỳ, cung cấp tinh chất giúp cải thiện quá trình dẫn truyền thần kinh được suôn sẻ, tăng sức lực cho cơ nhục. Dùng 15 - 20 ngày.
Bài 3: xương bồ 12g, lạc tiên 16g, hà thủ ô 16g, đinh lăng 16g, bạch truật 12g, cam thảo 12g, kê huyết đằng 16g, hoài sơn 16g, đương quy 12g, phòng sâm 12g, ngũ gia bì 16g, mẫu lệ 16g, sâm hành 16g, hoàng kỳ 9g, quế 6g, đại táo 5 quả, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Công dụng: bổ tỳ dương, làm tỳ dương khỏe mạnh sung mãn thì hồi phục chức năng hoạt động của cơ nhục. Dùng thuốc từ 15 - 20 ngày liền.
Bài 4: hà thủ ô, bạch truật, củ đinh lăng, hoài sơn, ngũ gia bì, đại táo, phòng sâm, ngũ vị, đương quy, cam thảo, xuyên khung, mỗi vị 20g. Cho các vị vào bình sứ hoặc bình thủy tinh, đổ ngập rượu để ngâm, sau 20 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ. Công dụng: bổ tỳ kiện vị. Người tỳ hư, ăn uống kém, chân tay không có lực, cơ bắp yếu mềm dùng phương này rất tốt.
Lương y Trịnh Văn Sỹ

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

Trị chứng tâm dương hư ở người cao tuổi

Chứng tâm dương hư là do dương khí trong tâm bất túc, khí huyết vận chuyển không sung mãn đầy đủ, phần nhiều do tuổi cao tạng khí hư suy.
Chứng tâm dương hư là do dương khí trong tâm bất túc, khí huyết vận chuyển không sung mãn đầy đủ, phần nhiều do tuổi cao tạng khí hư suy. Nguyên nhân: do ốm lâu ngày thể lực suy yếu, hoặc ra mồ hôi quá nhiều làm hao tổn dương khí; phú bẩm bất túc dẫn đến tâm dương không mạnh, nên sự vận chuyển khí huyết không đầy đủ, do suy nghĩ quá nhiều, làm tổn hao tâm thần dẫn đến tâm dương suy kém hoặc do tâm âm bất túc làm liên lụy đến tâm dương, sự hao tổn của dương khí mà sinh bệnh.
Theo Đông y, chứng tâm dương hư thường gặp trong các chứng: Tâm quý (tim hồi hộp), hung tý (đau vùng ngực), hư lao (cơ thể suy nhược mỏi mệt). Bệnh nhân luôn luôn thấy tim hồi hộp, có cảm giác vùng ngực trống rỗng khó chịu, hay sợ sệt, thở gấp, tự ra mồ hôi, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mỏi mệt, sức yếu, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, lưỡi bệu, mạch tế nhược hoặc kết đại, hoặc trì. Tuỳ từng thể mà dùng bài thuốc thích hợp.
Chứng tâm dương hư sinh chứng suy tim, co thắt mạch vành tim.
Tâm dương hư sinh chứng tâm quý (rối loạn nhịp tim). Do khí và âm của tâm đều hư liên lụy đến dương, dẫn đến tâm dương bất túc, thần không có nơi ở yên ổn, hoặc do âm tà nghịch lên làm tổn hại tâm dương mà sinh bệnh.
Biểu hiện: Trong tâm có cảm giác trống rỗng nên hồi hộp sợ hãi.
Phép trị: ôn thông tâm dương.
Bài thuốc: “Quế chi cam thảo long cốt mẫu lệ thang” gồm: quế chi 12g, cam thảo 16g, long cốt 16g, mẫu lệ 16g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày.
Tâm dương hư sinh chứng hung tý (co thắt mạch vành tim). Do tâm khí bất túc dương khí trong hung cách không mạnh, làm vít lấp tắc nghẽn tâm khiếu (động mạch vành) hoặc do đàm trọc làm nghẽn tâm dương, dương khí ở vùng ngực không thông, khí huyết vận hành bị trở ngại, mạch ở tâm tắc nghẽn mà sinh bệnh.
Biểu hiện: Vùng ngực khó chịu, đau từng cơn, đoản hơi, người mệt mỏi...
Phép trị: Ôn trung tán hàn.
Bài thuốc: “Quát lâu giới bạch bán hạ thang”, hoặc bài “Ngô thù du hoàn”: quát lâu 1 quả, bạch giới 120g, bán hạ 25g, rượu trắng vừa đủ. Ngày sắc một thang, chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc đói khi thuốc còn ấm.
Tâm dương hư sinh chứng hư lao (suy tim). Do tâm dương bất túc, huyết đi không lưu lợi, tâm khí không đầy đủ mà sinh bệnh.
Biểu hiện: Bệnh nhân sắc mặt trắng bệch, tự ra mồ hôi, người mệt mỏi, sức yếu, lưỡi nhạt, mạch nhược.
Phép trị: Ôn dương ích khí.
Bài thuốc: “Tứ nghịch thang” phối hợp với bài “Bổ khí vận tỳ thang” gồm: phụ tử chế 8g, cam thảo 80g, can khương 60g, hoàng kỳ 12g, nhân sâm 8g, bạch truật 12g, phục linh 12g, sinh khương 6g, trần bì 12g, sa nhân 12g, bán hạ 10g, đại táo 12g. Tùy sức khỏe bệnh nhân mà dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày sắc một thang, chia 3 lần, uống sau khi ăn.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

Cá mực - Thuốc tốt cho chị em

Mực không chỉ là món ăn khoái khẩu mà còn là vị thuốc quý. Mai mực được làm thuốc trong Đông y với tên gọi ô tặc cốt. Thịt mực thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon, cũng có rất nhiều tác dụng quý, đặc biệt với các bệnh lý sản phụ khoa.
Thịt mực chứa protid, lipid, canxi, phospho, sắt, vitamin B1, B2, B6, PP. Có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống loãng xương, suy nhược thần kinh và thể lực, ăn không ngon miệng. Theo Đông y, thịt mực vị ngọt mặn, tính bình; vào kinh can, thận, tỳ. Có tác dụng tư âm dưỡng huyết, kiện tỳ, lợi thủy, chỉ huyết, ôn kinh mạch. Dùng cho các trường hợp phù nề, phong thấp (thấp tý), trĩ lậu, bế kinh, thống kinh, huyết trắng, động thai dọa sẩy. Ngày dùng 2-4 con bằng cách nấu, hầm, quay, nướng, chiên, xào. Sau đây là một số món ăn thuốc từ mực tốt cho chị em:
Gà hầm cá mực: gà mái tơ 1 con, mực 2 con. Gà làm sạch, chặt miếng; mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; thêm gia vị hầm nhừ. Dùng cho phụ nữ, cơ thể suy nhược, khí hư huyết hư, sản phụ ít sữa, tắc sữa.
Súp mực.
Mực hầm đương quy: mực 2-3 con, quy thân 30g. Mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; quy rửa sạch, thái lát mỏng. Nấu nhừ. Dùng cho phụ nữ huyết hư thiếu máu, kinh nguyệt ít, không đều.
Canh mực thịt heo: mực 2 con, thịt heo nạc 100g, tôm nõn 100g, củ mài 30g, hạt sen bỏ tâm 30g. Mực ngâm mềm làm sạch thái lát, thịt heo thái miếng, tôm nõn ngâm rửa, thêm gia vị và nước; nấu nhừ cùng củ mài, hạt sen. Dùng cho các trường hợp mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, ngủ mê.
Cá mực hầm bí đao, đậu đỏ: cá mực 2-3 con, bí đao 300g, đậu đỏ nhỏ hạt 100g. Cá mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát; bí đao gọt bỏ vỏ mỏng và ruột, cho gia vị nhưng không cho muối mắm, hầm chín nhừ, cho ăn liên tục đợt 3-5 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm thận cấp, phù nề, cổ trướng xơ gan, ứ tắc sữa.
Cá mực hầm đào nhân: cá mực 2 con, đào nhân 15g. Cá mực ngâm mềm, rửa sạch, thái lát, thêm gia vị nấu nhừ, ăn liên tục đợt 3-5 ngày. Dùng cho các trường hợp bế kinh, thống kinh.
Kiêng kỵ: Người âm hư nhiệt nhiều hạn chế dùng.
TS. Nguyễn Đức Quang