Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

Chuyện có thật: Nuôi muỗi chống sốt xuất huyết

“Nuôi muỗi” nghe như chuyện đùa, nhưng người dân ở đảo Trí Nguyên thuộc phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, đang làm điều đó để chống bệnh sốt xuất huyết.
Dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes aegypti mang tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa” do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện đã chọn Trí Nguyên để triển khai. “Đảo muỗi” Trí Nguyên trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm chương trình hết sức đặc biệt này. “Chương trình sẽ mở ra khả năng phòng chống sốt xuất huyết một cách hiệu quả không chỉ ở Khánh Hòa mà cho cả nước”, tiến sĩ Lê Hữu Thọ, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa cho biết.
800 gia đình vào cuộc
Mới đây, đồng loạt 800 gia đình ở đảo Trí Nguyên được tiếp nhận 8.000 con bọ gậy, hay còn gọi là loăng quăng – ấu trùng do muỗi đẻ ra, từ Viện Dịch tễ T.Ư để thả trong những ly nước đặt ở nhà mình. Các nhà khoa học hy vọng rằng với một “sư đoàn muỗi” được “hóa kiếp” từ những con bọ gậy ấy, chúng sinh nở con đàn cháu đống, sau 3 tháng sẽ thay thế dần quần thể muỗi hiện có trên đảo. Từ đó, một lớp “muỗi mới” mang vi khuẩn Wolbachia sẽ góp phần quan trọng trong việc hạn chế và đi đến chấm dứt bệnh sốt xuất huyết vẫn đang hoành hành hằng năm ở khu vực miền Trung, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.
nuoi-muoi-09042
Cách cảng Nha Trang chưa đầy 15 phút ghe máy, Trí Nguyên là hòn đảo biệt lập với đất liền. Chính vị trí đặc thù này đã lọt vào “tầm ngắm” của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu để cho ra đời một loài muỗi mang vi khuẩn Wolbachia có khả năng làm ức chế tác nhân lây bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Khánh Hòa, cho biết: “Chọn đảo Trí Nguyên để triển khai dự án không hẳn vì hòn đảo ấy có nhiều muỗi mà cái chính là vị trí địa lý của nó rất thuận lợi như dân số vừa phải, diện tích nhỏ, ở biệt lập với đất liền nhưng không quá xa”.
Các nhà khoa học gọi nôm na vi khuẩn mang tên Wolbachia là con “bỏng ngô”. Khi soi vào kính hiển vi nó giống như hạt ngô nở bung sau khi rang. Vì vậy, 800 gia đình nhận nuôi muỗi trên đảo Trí Nguyên đều gọi là “con bỏng ngô”. Các nhà khoa học đã cấy Wolbachia vào trứng loài muỗi Aedes aegypti, khi nở ra, bản thân muỗi con đã mang trong mình vi khuẩn Wolbachia, có tác dụng làm ức chế khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Cứ 1.000 trứng muỗi mới có thể cấy được 1-2 con Wolbachia. Vì vậy, để có được 8.000 con bọ gậy, các nhà khoa học đã phải kỳ công nghiên cứu và thao tác trong thời gian 7 năm.
“Chỉ có thể bắt muỗi ở ngay trên đảo Trí Nguyên chứ không thể du nhập muỗi từ Úc – nơi đầu tiên trên thế giới triển khai thành công chương trình này. Vì khí hậu không tương đồng nên muỗi Úc có thể không sống được với khí hậu tại Trí Nguyên, khiến chương trình khó thành công”, một thành viên trong ban dự án nhận xét.
Cùng với các hướng dẫn viên của chương trình, 60 cộng tác viên là những người dân ở đảo Trí Nguyên cũng phải mất gần 3 tháng trời để “truy quét” số muỗi hiện có trên đảo bằng cách diệt bọ gậy, dùng vợt bắt muỗi… để số muỗi sống trong tự nhiên chỉ còn khoảng dưới 10%. “Phải làm như thế để khi bọ gậy mang mầm vi khuẩn Wolbachia nở ra, chúng sẽ giao phối với số muỗi ít ỏi còn lại trên đảo. Khi nở ra, số muỗi con này sẽ không còn khả năng lây bệnh sốt xuất huyết nữa. Cứ thế, đời con đời cháu của chúng cũng sẽ mang trong mình con bỏng ngô này và phổ cập muỗi bỏng ngô khắp nơi. Bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ được loại trừ”, bác sĩ Nguyễn Văn Hải thuật lại về quá trình nhân giống, vô hiệu hóa loài muỗi Aedes aegypti.
Mở ra khả năng phòng chống sốt xuất huyết
Sở dĩ các nhà khoa học chọn giải pháp dùng chính con muỗi đã được cấy “bỏng ngô” để loại trừ bệnh sốt xuất huyết là vì ngăn ngừa sốt xuất huyết bằng các phương pháp truyền thống như diệt bọ gậy và phun thuốc đã dần lạc hậu. “Nếu như trước đây, mình pha 10 lít nước cho một đơn vị hóa chất để phun diệt muỗi thì nay giảm xuống còn 4 lít nước để tăng độ đậm đặc, may ra muỗi mới chết. Mà cực chẳng đã thì mới phun thuốc vì bất cứ một loại thuốc độc nào mà đem phun đại trà khắp nơi như thế cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, một thành viên của chương trình đánh giá.
Theo lộ trình của dự án, đến tháng 5.2013 này, số bọ gậy mang vi khuẩn Wolbachia sẽ nở thành muỗi và nhân giống khắp đảo Trí Nguyên. Số muỗi F1 rồi F2 mang Wolbachia cũng sẽ vượt không gian của đảo để lan ra nhiều nơi và bệnh sốt xuất huyết dần “teo tóp” theo tỷ lệ sinh sản của loài muỗi này.
Hiện ở Úc, Trung Quốc, Brazil đã triển khai chương trình này và đã có kết quả khả quan. Singapore và Thái Lan cũng đang xúc tiến để triển khai nhưng họ tự bỏ tiền ngân sách ra chứ không được sự tài trợ của Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế (FHI) như ở Việt Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét